Bà bầu bị đau mắt đỏ có sao không? Có nguy hiểm không?

Ngày đăng bài: 18-11-2021

Bà bầu bị đau mắt đỏ có sao không? Nỗi lo lắng này của chị em hoàn toàn dễ hiểu bởi bệnh tình của mẹ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi. Và đúng là khi mang bầu mà bị đau mắt đỏ thì bạn cần phải cẩn trọng hơn nhiều so với người bình thường. Dành thời gian đọc bài viết sau đây để biết mình nên làm gì để phòng ngừa cũng như điều trị đau mắt đỏ một cách hiệu quả, an toàn cho cả mẹ và em bé bạn nhé!

Bà bầu đau mắt đỏ có nguy hiểm không?

Đau mắt đỏ không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng gây khó chịu và khiến bà bầu thêm mệt mỏi bởi các triệu chứng như đau nhức, ngứa, sưng mí, nhạy cảm với ánh sáng… Bệnh chủ yếu do virus, vi khuẩn gây ra nên rất dễ lây lan và có thể tái đi tái lại nhiều lần(1).

Một phần vì khó chịu bởi các triệu chứng của đau mắt đỏ, một phần vì lo lắng bệnh sẽ ảnh hưởng đến em bé khiến mẹ bầu rơi vào tình trạng căng thẳng kéo dài. Và trong thời gian bầu bí, tinh thần không thoải mái làm cho nhiều chị em cảm thấy ăn không ngon, ngủ không tròn giấc.

bà bầu bị đau mắt đỏ có sao không

Tuy nhiên, các mẹ đừng quá lo lắng bởi chuyên gia nhận định, nguy cơ thai nhi gặp nguy hiểm khi mẹ mắc bệnh đau mắt đỏ là rất thấp, thậm chí không có. Hơn nữa, bệnh cũng thường không gây tổn thương hay biến chứng nào cho đôi mắt của mẹ bầu nếu được chăm sóc và chữa trị đúng cách.

Trường hợp bệnh vẫn còn sau hơn một tuần, chị em hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn cách điều trị thích hợp, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Bà bầu đau mắt đỏ tuyệt đối không được tự ý nhỏ thuốc hay uống thuốc khi chưa tham khảo ý kiến bác sĩ, bởi hành động này có thể tiềm ẩn rủi ro đối với thai nhi.

Cách chữa đau mắt đỏ an toàn, hiệu quả cho bà bầu

Phụ nữ có thai nên thận trọng với tất cả các loại thuốc. Nếu bạn bị đau mắt đỏ khi đang mang thai hoặc đang có ý định mang thai, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ nhãn khoa (2).

Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc không gây nguy hiểm cho thai nhi cũng như cơ thể mẹ bầu. Dưới đây thường là những chỉ định của bác sĩ sau khi thăm khám và chẩn đoán bạn bị đau mắt đỏ khi mang thai do nguyên nhân nào:

  • Đau mắt đỏ do virus Herpes hoặc vi khuẩn Chlamydia

Bạn có thể cần phải dùng thuốc kháng virus Herpes để ngăn nó không lây lan. Tương tự đối với vi khuẩn Chlamydia vì dù là vi khuẩn nhưng chúng hoạt động giống như virus.

  • Đau mắt đỏ do dị ứng

Nếu đau mắt đỏ do dị ứng (phấn hoa, mạt bụi, lông thú…), bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc nhỏ mắt để điều trị bệnh mà không gây hại đến em bé. Bên cạnh đó, chị em nên cẩn thận bảo vệ đôi mắt tránh khỏi các dị nguyên bằng cách đóng kín cửa, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ và đeo kính chắn khi ra ngoài…

  • Đau mắt đỏ do tiếp xúc với hóa chất hoặc dị vật

Nếu mắt đỏ xảy ra do không may tiếp xúc với hóa chất hoặc dị vật, bác sĩ sẽ tiến hành rửa mắt để loại bỏ độc tố ra ngoài và kiểm tra xem mắt có bị nhiễm trùng hay không.

chữa đau mắt đỏ cho bà bầu

Bác sĩ sẽ dựa vào nguyên nhân khiến bà bầu đau mắt đỏ để đưa ra biện pháp khắc phục phù hợp

Bên cạnh các chỉ định y khoa, bác sĩ khuyến nghị chị em khi mang bầu, nếu mắc bệnh đau mắt đỏ, hãy chú ý thực hiện các biện pháp sau để tăng cường bảo vệ đôi mắt và giảm nhẹ triệu chứng đau mắt đỏ:

  • Lau mí mắt và dịch tiết bằng gạc hoặc khăn mềm sạch đã được làm ướt.
  • Rửa tay kỹ càng và không dùng chung khăn tắm.
  • Đeo kính màu tối để ngăn khói bụi và các chất độc hại từ môi trường.
  • Không được dụi tay hoặc cọ xát vật cứng vào mắt.
  • Tránh trang điểm và đeo kính áp tròng trong thời gian điều trị.

Lưu ý: Mặc dù thuốc uống và thuốc nhỏ mắt kê đơn không ảnh hưởng đến thai nhi nhưng bác sĩ vẫn khuyến khích bà bầu đau mắt đỏ nên dùng các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc để ngăn ngừa tối đa rủi ro đối với sức khỏe. Và các biện pháp tự nhiên giúp xoa dịu cảm giác khó chịu, ngứa ngáy, sưng tấy… khi bị đau mắt đỏ mà chị em có thể yên tâm áp dụng tại nhà đó là(3):

1. Chườm ấm

Chườm ấm cải thiện lưu thông máu, khắc phục tình trạng đỏ mắt và làm dịu hiện tượng khô mắt. Hơi ấm cũng hỗ trợ giảm viêm, từ đó giúp đôi mắt khỏe khoắn hơn.

2. Chườm lạnh

Cũng giống như chườm ấm, chườm lạnh giúp đôi mắt được thư giãn và thoát khỏi tình trạng sưng tấy, đỏ và khó chịu do đau mắt đỏ. Khi chườm lạnh, bạn phải đảm bảo sử dụng khăn hoặc túi chườm lạnh khác nhau cho mỗi mắt để ngăn lây nhiễm. Nếu bà bầu bị cảm lạnh, sốt hoặc viêm xoang thì không nên dùng biện pháp này.

3. Túi trà xanh

Túi trà là một phương thuốc chăm sóc mắt tuyệt vời tại nhà dành cho bà bầu và đặc biệt hữu ích trong việc giảm quầng thâm cũng như trạng thái mệt mỏi của đôi mắt. Vậy nên, đây cũng là biện pháp bác sĩ khuyên bà bầu đau mắt đỏ nên dùng.

Bạn nhúng túi trà xanh vào nước sôi, để nguội rồi vắt hết nước và đắp lên mắt trong  vòng vài phút mỗi ngày. Chị em nhớ không chuyển túi trà từ mắt này sang mắt khác

4. Dung dịch nước muối sinh lý

Rửa mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý là một cách chữa đau mắt đỏ tại nhà mà bà bầu không thể bỏ qua. Nước muối sinh lý vừa có đặc tính làm sạch sẽ giúp chữa trị đau mắt đỏ hiệu quả.

Viêm kết mạc thường biến mất một cách tự nhiên sau một tuần. Nếu bà bầu nhận thấy các triệu chứng đau mắt đỏ vẫn tồn tại trong hơn một tuần, hãy liên hệ với bác sĩ để tìm cách điều trị ngay lập tức

Mẹ bầu bị đau mắt đỏ nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Trong quá trình mang thai, đề kháng của chị em kém hơn bình thường nên rất dễ mắc bệnh, nhất là những bệnh lây nhiễm như đau mắt đỏ. Lúc này, dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao miễn dịch, hỗ trợ phòng ngừa bệnh tật.

Thế nhưng, ăn gì và kiêng gì, chị em cần phải cân nhắc một cách kỹ lưỡng bởi khi mang bầu cơ thể rất nhạy cảm. Dưới đây là danh sách thực phẩm an toàn giúp bà bầu đau mắt đỏ vừa có đủ dưỡng chất vừa góp phần bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh (4):

Thực phẩm nên ăn

Thực phẩm nên kiêng

  • Các loại rau có màu xanh đậm như: rau bina, cải xoăn, bông cải xanh…
  • Thực phẩm có màu cam như: cà rốt, khoai lang, ngô, bí ngô, ớt chuông…
  • Tất cả các loại trái cây như: đu đủ, cam, táo, lê, dứa, bưởi và nho…
  • Thực phẩm giàu vitamin A như: trứng, dầu gan cá, sữa và các sản phẩm từ sữa…
  • Thực phẩm chứa nhiều vitamin B2 như: thịt bò, thịt lợn, hạnh nhân, hạt mè…
  • Thực phẩm giàu kẽm như: hàu, cua, sò, hến, ngũ cốc nguyên hạt, đậu phộng, hạt điều… Đối với hải sản có vỏ, bà bầu phải nấu chín hoàn toàn để tránh ngộ độc.
  • Nước ép rau củ quả, nhất là nước chanh rất tốt cho bệnh nhân đau mắt đỏ.
  • Tránh ăn quá nhiều thực phẩm giàu tinh bột và đường như: bánh mì trắng, ngũ cốc tinh chế, khoai tây, bánh pudding, bánh nướng, bánh ngọt, đường, mứt và bánh kẹo…
  • Tránh ăn quá nhiều thịt và các loại thực phẩm giàu protein và chất béo khác.
  • Tránh uống trà, cà phê và các loại thức uống chứa chất kích thích.
  • Không ăn quá nhiều muối, gia vị và nước sốt.

 

Bà bầu bị đau mắt đỏ có sao không khi ăn món này hay uống thứ kia là điều không chỉ chị em mà ngay cả người thân, bạn bè của họ đều băn khoăn, lo lắng. Chính vì vậy, chúng tôi khuyên chị em, trong suốt thời gian mang bầu, đặc biệt là 3 tháng đầu nên đến các trung tâm dinh dưỡng để được bác sĩ tư vấn thực đơn ăn uống phù hợp nhất.

Biện pháp phòng ngừa đau mắt đỏ khi mang thai

Đau mắt đỏ là căn bệnh truyền nhiễm, không loại trừ bất kỳ ai. Bởi thế, tất cả chúng ta, không riêng chị em mang bầu cần đề cao ý thức ngăn ngừa bệnh đau mắt đỏ bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

  • Tránh dùng chung thuốc nhỏ mắt, khăn lau mắt và mỹ phẩm với người khác.
  • Tránh tiếp xúc cơ thể với những người bị đau mắt đỏ.
  • Đóng cửa kín hoặc đeo kính để ngăn không cho bụi bẩn và dị nguyên trong môi trường như phấn hoa, lông thú … bay vào mắt.
  • Rửa tay sạch sẽ sau khi ăn uống, làm việc hoặc tham gia hoạt động ngoài trời…
  • Thường xuyên rửa mắt bằng nước sạch và lau khô bằng khăn mềm.

phòng ngừa đau mắt đỏ khi mang thai

Rửa mắt sạch sẽ mỗi ngày sẽ giúp chị em giảm bớt nguy cơ đau mắt đỏ khi mang bầu

Quan trọng nhất là ngay khi nhận thấy mắt (1 bên hoặc 2 bên) có biểu hiện bất thường như ngứa, nhức, đỏ và mỏi… chị em nên đến bệnh viện mắt thăm khám ngay lập tức. Dù là biểu hiện của đau mắt đỏ hay bệnh lý nào khác, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp xử lý kịp thời, ngăn không cho bệnh chuyển nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần mẹ bầu.

Đau mắt đỏ khi mang thai là tình trạng phổ biến, không gây nguy hiểm đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi nhưng sẽ khiến mẹ bầu khó chịu, mệt mỏi. Trong 9 tháng mang bầu, các phương pháp chữa đau mắt đỏ tự nhiên được khuyến khích sử dụng thay cho việc dùng thuốc đặc trị cũng như các sản phẩm nuôi dưỡng, bảo vệ mắt khác.

Trên đây là tất cả những thông tin giải quyết vấn đề bà bầu bị đau mắt đỏ mà bạn cần biết. Thông thường tình trạng đau mắt đỏ sẽ tự biến mất sau vài ngày, nếu tình trạng này kéo dài hơn một tuần thì bạn nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị.

Đánh giá bài viết
14-06-2023
mua_wit