Nhược thị ở trẻ em: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Nhược thị ở trẻ em là bệnh về mắt gây suy giảm thị lực nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, sinh hoạt, học tập và cả khả năng phát triển của trẻ. Theo nghiên cứu, tại Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em mắc bệnh lý về nhược thị, trong đó trẻ 3-5 tuổi chiếm đến 15-20%. Hiểu được nguyên nhân cũng như cách điều trị và phòng ngừa nhược thị từ sớm là điều mà các bậc cha mẹ cần nắm rõ để bảo vệ thị lực con mình tốt nhất.
Nhược thị ở trẻ em là gì?
Nhược thị ở trẻ em là tình trạng thị lực của một bên mắt hoặc cả hai mắt bị suy giảm do não không nhận biết được những hình ảnh từ mắt chuyển lên não khiến não chỉ tăng cường hoạt động với một mắt. Thị lực của một đứa trẻ được phát triển trong suốt những năm đầu đời, nó có sự liên kết giữa não bộ và đường dẫn truyền thị giác đến mắt.
Trong giai đoạn này nếu gặp bất kỳ một nguyên nhân nào làm cản trở sự phát triển của thị giác hay có sự tương tác bất thường đều dẫn đến việc hoàn thiện đường dẫn truyền thị giác bị gián đoạn sẽ gây ra chứng nhược thị ở trẻ.
Nhược thị thường có 2 loại là nhược thị chức năng và nhược thị thực thể. Trong đó, nhược thị chức năng có thể cải thiện được sau khi điều trị và phục hồi chức năng, còn nhược thị thực thể là tình trạng mắt không thể phục hồi hoàn toàn được.
Não bộ và thần kinh thị giác sau 7 tuổi đã bắt đầu ổn định nên việc điều trị trở nên khó khăn và kém hiệu quả. Do đó, cha mẹ cần phải chú ý và phát hiện sớm tình trạng thị giác của trẻ để được can thiệp kịp thời, phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm về sau.
Nhược thị là tình trạng thị lực của một bên mắt hoặc cả hai mắt bị suy giảm do não không nhận biết được những hình ảnh từ mắt chuyển lên
Dấu hiệu nhận biết nhược thị ở trẻ em
Nhược thị thường chỉ ảnh hưởng đến một mắt, và các triệu chứng bệnh thường rất khó nhận biết. Các triệu chứng của bệnh thường là lé trong hoặc lé ngoài, hoạt động của hai mắt thường không đồng bộ, và có sai lệch cảm nhận về độ sâu của ảnh. Thông thường, trẻ bị nhược thị thường có các biểu hiện sau:
- Nheo mắt, nghiêng đầu vẹo cổ khi nhìn
- Đau đầu, nhức mắt
- Trường hợp trẻ bị lác thường có các bất thường: sụp mi, đục thủy tinh thể, sẹo giác mạc
- Trẻ lớn có thể phát hiện mình nhìn mờ khi xem tivi hay đọc sách ở khoảng cách gần (trẻ có biểu hiện chớp mắt, nheo mắt hay dụi mắt khi xem tivi, hoặc nghiêng đầu khi nhìn, viết sai hàng…)
Tuy nhiên, với trẻ nhỏ, chúng thường không biết rằng một mắt mình bị nhìn kém, hoặc không thể diễn tả được và cha mẹ khó phát hiện với những quan sát thông thường mà cần kiểm tra bằng máy móc. Một số trường hợp, thị lực kém một bên mắt nhưng không phải là nhược thị. Vì vậy, trong trường hợp này cần gặp bác sĩ để kiểm tra.
Trẻ bị nhược thị thường có dấu hiệu nheo mắt và nghiêng đầu khi nhìn
Nguyên nhân gây bệnh nhược thị ở trẻ nhỏ
Bệnh nhược thị ở trẻ có nhiều nguyên nhân, trong đó có 3 nguyên nhân phổ biến sau đây:
1. Bất thường khúc xạ
Trẻ gặp bất thường về tật khúc xạ như cận thị, viễn thị và loạn thị… là tình trạng mắt không thể hội tụ hình ảnh trên võng mạc nếu không được điều chỉnh kịp thời bằng việc đeo kính sẽ cản trở sự phát triển thị lực của trẻ. Nhược thị do tật khúc xạ có thể xảy ra ở một mắt, hoặc hai mắt, có thể đối xứng hoặc không đối xứng (do bất đồng khúc xạ).
2. Lác mắt (hay còn gọi là lé)
Là tình trạng mắt không nhìn cùng một hướng (mắt nhìn thẳng, mắt nhìn vào trong, lên trên hay xuống dưới). Khi đó, não bộ sẽ nhận về cùng lúc hai hình ảnh khác nhau, não bộ sẽ bỏ qua tín hiệu của một mắt, để tránh tình trạng nhìn đôi. Cũng có một số trường hợp mắt bị lác nhưng thị lực của mỗi mắt đều tốt, những trường hợp này mắt sẽ được dùng xen kẽ ở các thời điểm khác nhau, đường dẫn truyền thị giác cũng phát triển đồng đều. Tuy nhiên, hầu hết não bộ chỉ sử dụng một mắt là chính và bỏ qua tín hiệu của mắt còn lại nên gây ra nhược thị ở trẻ nhỏ.
3. Một số bất thường khác gây cản trở thị giác
Một số bất thường có thể cản trở thị giác, gây nhược thị do não bộ không nhận được đường dẫn truyền thần kinh thị giác đến mắt như: Đục thủy tinh thể bẩm sinh, sẹo ở giác mạc ngăn chặn ánh sáng đến sau mắt, sụp mí, bất động khúc xạ, hoặc do di truyền…
Cách chẩn đoán nhược thị ở trẻ em
Để chẩn đoán nhược thị, bác sĩ sẽ tiến hành các bước sau:
- Khám sàng lọc sớm
- Chụp hình
- Làm các xét nghiệm khác như: kiểm tra che mắt, khúc xạ, soi đáy mắt, đèn khe
Lưu ý, khi sàng lọc thị lực và lác mắt khuyến cáo nên cho trẻ em khám mắt quanh độ tuổi lên 3. Bước chụp ảnh là cách để sàng lọc trẻ từ lúc nhỏ bằng cách ghi lại hình ảnh phản xạ của đồng tử để xem phản xạ đó có đáp ứng với ánh sáng, và lấy hình ảnh đó so sánh về sự đối xứng. Đối với trẻ lớn thì khám sàng lọc bao gồm kiểm tra độ sắc nét với các con số như số hoặc biểu đồ mắt Snellen.
Để xác định chắc chắn tình trạng nhược thị của trẻ, bác sĩ có thể làm thêm các xét nghiệm khác. Bác sĩ sẽ kiểm tra thị lực của trẻ bằng cách che từng mắt của trẻ và quan sát cách chúng nhìn theo vật chuyển động như thế nào.
Nếu mắt bị nhược thị thì lúc mắt sáng bị che, chúng sẽ có phản ứng khó chịu, cố gắng nhìn theo hoặc sẽ kéo miếng che để nhìn. Ngoài ra, để khẳng định chứng thị lực không đồng đều, các bác sĩ làm khúc xạ trên mỗi mắt. Sự tắc nghẽn của trục thị giác có thể được khẳng định bằng soi đáy mắt hoặc đèn khe.
Bệnh lý nhược thị ảnh hưởng đến trẻ em như thế nào?
Nhược thị ở người lớn hay trẻ em nếu không được phát hiện sớm và điều trị đúng có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống và tương lai của trẻ nhỏ. Mắt không nhìn rõ có thể ảnh hưởng đến việc học tập và tiếp thu bài vở: trẻ tiếp thu bài chậm, đọc chậm, viết chậm, thậm chí viết sai hay bị nhức mắt, học tập mau mệt… Trong cuộc sống, trẻ bị nhược thị thường hay chậm chạp, khó hòa nhập với mọi người xung quanh và không tự tin vào bản thân mình do hay va chạm, đổ vỡ vật dụng thậm chí thường xuyên bị vấp ngã.
Tuy nhiên, cha mẹ đừng quá lo lắng vì nhược thị có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng, tránh trường hợp để bệnh kéo dài đến khi trưởng thành thì không thể chữa khỏi. Vì vậy, cần cho trẻ đeo kính điều chỉnh thị lực nếu trẻ bị tật khúc xạ, trường hợp không đeo kính và điều trị kịp thời lâu dần sẽ dẫn tới nhược thị, thậm chí có nguy cơ mù lòa.
Trẻ bị nhược thị nếu không được phát hiện và điều chỉnh sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và kết quả học tập của trẻ
Hướng dẫn cách điều trị bệnh nhược thị ở trẻ em
Điều trị nhược thị ở trẻ em là cải thiện thị lực cho mắt nhược thị và từ đó cho trẻ sử dụng cả hai mắt, mang lại sự phát triển đồng đều cho hai mắt.
Để làm được điều đó, ngoài việc điều trị nguyên nhân gây ra các bệnh tại mắt thì cần kết hợp thêm các phương pháp như: đeo kính, bịt mắt lành, tập chỉnh quang hay phẫu thuật (loại bỏ đục thủy tinh thể, điều trị mắt lác), tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp.
Với những trường hợp nhược thị ở mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ được đề nghị sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropin để tạo ra điều kiện thuận lợi về thị giác cho mắt bị nhược thị. Nếu trẻ bị lác mắt làm giảm khả năng di chuyển hai mắt thì bác sĩ đề nghị phẫu thuật cơ mắt.
Phụ huynh có thể trao đổi cụ thể với bác sĩ điều trị để lựa chọn phương pháp điều trị tốt nhất cho bé. Lưu ý, việc điều trị nhược thị cho trẻ cần tiền hành càng sớm càng tốt, và khi đã điều trị khỏi vẫn cần cho trẻ đeo kính theo dõi lâu dài đề phòng bệnh có thể tái phát.
Cách phòng ngừa nhược thị ở trẻ em
Từ 0-7 tuổi được xem là giai đoạn quan trọng phát triển thị lực cho trẻ, vì vậy việc phòng ngừa được thực hiện tốt nhất trong giai đoạn này, phòng ngừa những yếu tố nguy cơ làm cản trở thị lực của trẻ bằng những việc sau đây:
Hướng dẫn trẻ tư thế học tập đúng: Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ ngồi tư thế thẳng lưng, mắt cách mặt chữ 30cm. Nên cho bé học ở môi trường đủ ánh sáng, bàn ghế đúng tiêu chuẩn theo từng độ tuổi, tư thế cầm bút đúng chuẩn. Không nên cho trẻ đọc sách ở nơi thiếu ánh sáng, hay nằm ngửa để đọc sách.
Hạn chế cho trẻ sử dụng các thiết bị điện tử: Không nên cho trẻ xem tivi, chơi điện tử liên tục quá 2 giờ. Bởi những ánh sáng xanh phát ra các thiết bị điện tử có bước sóng ngắn có thể tiến sâu vào mắt là tổn thương và làm chết các tế bào thị giác, đặc biệt là các tế biểu mô sắc tố võng mạc, chính là nguyên nhân làm suy giảm thị lực, gây ra tật khúc xạ và các bệnh lý về mắt.
Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời: Theo số liệu thống kê của những năm gần đây cho thấy, trẻ em ở thành thị mắc các bệnh về mắt cao hơn nhiều so với trẻ em ở nông thôn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do trẻ em thành thị ít được tham gia các hoạt động ngoài trời. Ánh sáng mặt trời là ánh sáng tự nhiên phù hợp với sự phát triển thị giác của con người mà không có thứ ánh sáng nào có thể thay thế. Vì vậy, để thị lực của trẻ phát triển linh hoạt, sáng khỏe, phòng ngừa các bệnh về mắt, các bậc phụ huynh nên khuyến khích trẻ hoạt động ngoài trời nhiều hơn.
Cần khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời nhiều hơn
Có chế độ dinh dưỡng khoa học: Bên cạnh chế độ ăn uống đa dạng, điều độ và đủ chất thì các bậc phụ huynh nên chú ý tăng cường những dưỡng chất tốt cho mắt: Vitamin A, E, C, D, Omega-3, lutein và zeaxanthin có nhiều trong rau củ quả và các loại hạt, cá biển như: cà rốt, khoai lang, bí đỏ, bông cải xanh, cải xoăn, rau bina, bơ, cam quýt, hạt óc chó, hạt bí, cà hồi cá, cá thu, cá mòi… và nhớ cho trẻ uống nhiều nước mỗi ngày.
Khám mắt định kỳ: Nhược thị là bệnh lý về mắt có thể chữa khỏi nếu như được phát hiện sớm. Vì vậy, qua giai đoạn nhũ nhi nếu mắt trẻ không có bất thường thì bắt đầu từ tuổi lên 3, cha mẹ cần cho cho bé khám mắt định kỳ (6 tháng/lần) để sớm phát hiện các dấu hiệu ở mắt của trẻ để có những điều chỉnh hợp lý. Đặc biệt, với những đứa trẻ sinh ra trong gia đình có tiền sử bệnh về mắt thì cần quan tâm nhiều hơn. Bởi vì trẻ ở độ tuổi này có thể gặp bất trắc trong vấn đề nhìn nhưng vẫn chưa biết diễn tả. Và cần cho trẻ khám mắt ngay nếu phát hiện mắt trẻ có phản xạ kém, mắt có đốm trắng đục bất thường.
Đôi mắt là tài sản vô giá của con người, bảo vệ thị lực khỏi tật nhược thị ở trẻ em là cách giữ gìn báu vật cho con em mình. Điều này cần sự phối hợp giữa việc quan tâm, chăm sóc và theo dõi con mỗi ngày. Hướng con theo cách sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đủ chất. Dành thời gian đưa con ra ngoài nhiều hơn và đừng quên cho con thăm khám mắt định kỳ nhé.