Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh: Nguyên nhân và cách khắc phục

Ngày đăng bài: 16-02-2023

Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh có nhiều nguyên nhân, cha mẹ không nên chủ quan, cần nắm rõ nguyên nhân và cách khắc phục hiệu quả, tránh những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe của trẻ.

Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh là gì?

Trẻ sơ sinh chảy nước mắt sống và đổ ghèn khá phổ biến (chiếm 20%). Thông thường, tình trạng này không nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng cha mẹ cũng không được chủ quan, cần biết nguyên nhân, chăm sóc mắt kỹ lưỡng, tránh để lại những tổn hại cho mắt do các bệnh lý gây nguy hiểm như tắc tuyến lệ, nhiễm trùng mắt…(1)

Trẻ sơ sinh hay chảy nước mắt sống có nguy hiểm không?

Tùy tình trạng chảy nước mắt sống và các dấu hiệu đi kèm cùng tình trạng thị lực, mới có kết luận cụ thể. Nếu trường hợp mắt trẻ sơ sinh đổ ghèn và chảy nước mắt nhưng nhãn cầu của bé rất trong, sáng và không có dấu hiệu khó chịu, bố mẹ chỉ cần chăm sóc bé tại nhà.

Thông thường, những trường hợp này sẽ tự tốt lên trong vài tuần hoặc vài tháng sau khi ống dẫn nước mắt của bé được hoàn thiện, mở và thông ra. Thông thường, trẻ được 12 tháng tuổi, tình trạng chảy nước mắt sống thông thường (không phải do bệnh lý) sẽ tự khỏi.

Nếu trường hợp chảy nước mắt sống kèm theo các triệu chứng khó chịu như mắt đỏ ngầu, khó chịu thì rất có thể trẻ gặp một loại bệnh lý nguy hiểm về mắt, trẻ cần được thăm khám và điều trị kịp thời.

Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh

Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh thường do mắt trẻ là tình trạng thường gặp do mắt chưa hoàn thiện ống dẫn nước mắt

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị chảy nước mắt sống

Trẻ sơ sinh chảy nước mắt sống, lúc nào cũng ngân ngấn nước có thể do những nguyên nhân sau đây:

1. Bị tắc lệ đạo:

Bình thường, nước mắt được sinh ra từ cử động của đôi mắt, những giọt nước mắt được ép vào các ống dẫn ở góc bên trong và thoát ra ngoài theo ống dẫn lệ tỵ  vào phía sau của mũi.

Trường hợp ống dẫn lệ bị tắc một phần hoặc hoàn toàn, nước mắt không thể thoát ra ngoài sẽ làm mắt luôn ngân ngấn nước. Nguyên nhân của tắc lệ đạo có thể do dò ống lệ đạo bẩm sinh, do bất thường vùng xương hàm mặt cũng làm tăng khả năng mắc phải tắc lệ đạo (do hội chứng down)…

Khi gặp phải tình trạng này, chúng ta sẽ thấy trẻ bị chảy nước mắt ở một hoặc hai bên, nước mắt chảy thường xuyên hoặc chảy từng lúc. Nếu tình trạng kéo dài, nước mắt ứ đọng ở túi lệ có thể gây nhiễm trùng, khiến túi lệ bị viêm, sinh ra mủ nhầy khi ấn vào ở góc mắt.

Thậm chí, ứ đọng nước mắt kéo dài có thể gây đau nhức, nhiễm khuẩn, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm ở mắt. Vì vậy, khi thấy trẻ có biểu hiện chảy nước mắt sống, cha mẹ cần quan sát kỹ lưỡng, và đưa trẻ đi thăm khám kịp thời nếu có các dấu hiệu đi kèm.(2

2. Do nhiễm trùng mắt:

Mắt bị nhiễm trùng có thể là nguyên nhân gây chảy nước mắt ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân có thể do virus, vi khuẩn, nấm… Các bệnh nhiễm trùng có thể dẫn đến tình trạng chảy nước mắt sống ở trẻ. Mắt trẻ nhiễm trùng thường có các triệu chứng đi kèm như sưng, đau, rát mắt… khiến bé phải thường xuyên dụi mắt. Nhiễm trùng mắt dễ bị lây, và có các triệu chứng nghiêm trọng, cần phải được điều trị.

3. Do tác nhân gây dị ứng:

Chảy nước mắt có thể do nguyên nhân trẻ dị ứng từ phấn hoa, lông của động vật nuôi trong nhà. Khi trẻ bị chảy nước mắt sống, cha mẹ cần chú ý các tác nhân có ảnh hưởng đến bé hay không, để có biện pháp phòng ngừa.

Ngoài ra, chảy nước mắt sống có liên quan đến các bệnh như viêm kết mạc, lông mi mọc bên trong cũng như thói quen lộn mi cũng là yếu tố gây kích ứng mắt, chảy nước mắt sống. 

Khi trẻ bị chảy nước mắt sống, cha mẹ cần theo dõi cẩn thận. Nếu có các dấu hiệu đi kèm hay kéo dài không hết, cha mẹ cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời, dứt điểm, tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm túi lệ cấp, áp xe tuyến lệ, không chỉ vậy nó còn có thể gây các bệnh cực kỳ nguy hiểm như nhiễm trùng huyết ở trẻ sơ sinh, bệnh viêm màng não ở trẻ em.

Khi nào trẻ sơ sinh chảy nước mắt sống cần thăm khám?

Chảy nước mắt sống là tình trạng thường gặp ở trẻ sơ sinh, cha mẹ không nên quá lo lắng. Với những trường hợp thông thường mẹ cần vệ sinh mắt đúng cách, chườm nóng, nhỏ nước muối sinh lý cho trẻ chỉ một vài tuần là trẻ sẽ khỏi. Chảy nước mắt sống thường có những dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ bị chảy nước mắt thường xuyên, hoặc có thể từng lúc do hiện tượng lắng đọng nước mắt ở khe mi, có thể xảy ra một hay cả hai mắt.
  • Mắt tiết ghèn, chất nhầy, đặc biệt là khi trời lạnh, nắng hoặc gió.
  • Lúc ngủ dậy trẻ thường dụi mắt, vì có nhiều ghèn vàng dính quanh mí mắt.
  • Bờ mi mắt bị đỏ do thường xuyên dụi mắt và hiện tượng viêm kết mạc.

Tuy nhiên, nếu trẻ sơ sinh chảy mắt sống kèm theo các dấu hiệu sau đây thì cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế và bệnh viện có chuyên khoa để thăm khám sớm:

  • Mắt bé bị viêm, đỏ trong hoặc xung quanh mắt
  • Nhiều gỉ mắt màu vàng xung quanh mắt
  • Bé dụi mắt liên tục và quấy khóc khó chịu
  • Bé nhạy cảm với ánh sáng, luôn nheo mắt và muốn nhắm mắt lại.
  • Mí mắt bé sưng hoặc biến dạng

Chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh

Cha mẹ cần theo dõi tình trạng chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh, nếu kéo dài kèm theo triệu chứng bất thường cần phải thăm khám và điều trị kịp thời

Cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh hay chảy nước mắt sống

Khi thấy trẻ sơ sinh chảy nước mắt sống, cha mẹ cần theo dõi, quan sát mắt của trẻ. Nên vệ sinh, massage nhẹ nhàng, đúng cách cho trẻ. Lấy bông gòn nhúng vào nước muối ấm lau sạch mắt cho trẻ bất cứ khi nào mắt bị đổ ghèn.

Dùng ngón tay cái và trỏ day sống mũi, chỗ gần góc trong mí mắt 2-3 lần/ngày. Xoa nhẹ ống lệ vài lần trong ngày để giúp giảm tắc nghẽn. Đồng thời, có thể nhỏ nước muối sinh lý, hoặc thuốc kháng histamine để chống lại các triệu chứng dị ứng theo chỉ định của bác sĩ.

Cha mẹ cần chú ý giữ căn phòng có độ ẩm tốt nhằm giảm bớt kích ứng mắt của trẻ, tránh cho bé tiếp xúc với môi trường bụi bặm có thể làm mắt bị kích ứng thêm. Nếu theo dõi mắt khoảng 1 tuần mà không tự khỏi, mà kèm theo các dấu hiệu khác cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế hoặc bệnh viện có chuyên khoa để thăm khám và điều trị kịp thời.

1. Đối với trường hợp trẻ tắc lệ đạo bẩm sinh:

Với những trường hợp này, có thể dùng tay ấn vùng góc mắt, nơi có túi lệ, kết hợp với dùng kháng sinh nhỏ hoặc uống (theo chỉ định của bác sĩ). Với phương pháp điều trị này sẽ trị khỏi hoàn toàn trường hợp tắc lệ đạo bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.  Khi trẻ được 2-3 tháng tuổi, nếu vẫn không hết chảy nước mắt, bác sĩ sẽ dùng phương pháp bơm rửa và thông lệ đạo, giúp cho nước mắt lưu thông xuống mũi. Phương pháp này áp dụng tốt nhất cho trẻ từ 4-6 tháng tuổi.

2. Trường hợp trẻ bị tắc lệ đạo thông thường:

Điều cần thiết là phải phẫu thuật túi lệ để tạo đường dẫn nước mắt mới, từ mắt thoát xuống mũi. Phương pháp này có thể điều trị dứt điểm triệu chứng chảy nước mắt, khỏi viêm nhiễm và mủ nhầy ở túi lệ. Cũng có trường hợp không cho phép mổ tạo đường thông tuyến lệ thì bác sĩ sẽ phải mổ cắt túi lệ. Phương pháp này sẽ loại trừ ổ viêm tại mắt, tránh các biến chứng áp-xe túi lệ. Tuy nhiên, trường hợp này, bệnh nhân sẽ bị chảy nước mắt suốt đời.

Trên đây là những thông tin liên quan đến hiện tượng chảy nước mắt sống ở trẻ sơ sinh Wit đã cung cấp·, hy vọng những kiến thức này sẽ giúp ích cho cha mẹ vững vàng chăm sóc, bảo vệ đôi mắt của con yêu sáng khỏe, tinh anh.

Đánh giá bài viết
14-06-2023
mua_wit