Biện pháp phòng ngừa nhược thị sớm ở trẻ em

Bệnh nhược thị là tình trạng bất thường ở thị lực thường xảy ra ở trẻ em và có xu hướng ngày càng tăng. Các phụ huynh cần hiểu rõ sự hình thành bệnh để có cách phòng ngừa nhược thị hiệu quả cho con em mình.
Bệnh nhược thị ở trẻ được hình thành như thế nào?
Bệnh nhược thị là tình trạng thị lực của một hoặc cả hai mắt bị giảm do sự trục trặc của quá tình truyền tải hình ảnh từ mắt về não. Trong trường hợp nhược thị ở một bên mắt thì sẽ nảy sinh tình trạng não chỉ tăng cường hoạt động với một bên mắt sáng, còn mắt mờ sẽ “ỷ lại” và không làm việc. Hiện tượng này còn gọi là mắt lười (lazy eye) (1).
Bệnh nhược thị thường xuất hiện trong giai đoạn phát triển thị giác ở trẻ em
Em bé khi sinh ra đều đã hình thành thị lực, nhưng vẫn chưa hoàn thiện và chưa nhận biết được hình ảnh xung quanh. Khi trẻ bắt đầu phát triển, dây thần kinh dẫn truyền thị giác từ mắt đến não và các dây thần kinh não bộ cũng phát triển theo, thì lúc này, não sẽ học cách phân tích tín hiệu, hình ảnh được truyền đến từ mắt và quá trình này kéo dài từ 7 – 8 năm.
Sau khoảng 8 năm phát triển, dây thần kinh dẫn truyền thị giác và vùng thị giác của não sẽ hoàn thiện, không còn sự thay đổi nào khác. Do đó, nếu trong thời gian phát triển của chức năng thị giác, trẻ không dùng đến hoạt động của cả hai mắt một cách bình thường thì khả năng cao sẽ gây ra chứng nhược thị ở trẻ em.
Bệnh nhược thị là do các trục trặc trong việc dẫn truyền hình ảnh từ mắt đến não bộ gây ra. Tuy nhiên, các trục trặc này lại thường bắt nguồn từ các vấn đề bệnh lý thực thể ở mắt, cụ thể như bệnh lác; lé; tật khúc xạ (cận, viễn, loạn), thường xuất hiện ở những trẻ bị độ cao hoặc chênh lệch độ giữa hai mắt rất lớn; bệnh lý đục thể tinh thể hoặc tổn thương võng mạc.
Những bệnh lý này khiến cho việc hình ảnh được truyền về võng mạc không rõ ràng, não độ sẽ không nhận biết được các hình ảnh đó và theo thời gian, não bộ sẽ không tiếp nhận các hình ảnh và dẫn đến suy giảm chức năng thị giác.
Bệnh nhược thị nếu được phát hiện và điều trị sớm từ 7 tuổi trở xuống thì mắt có thể phục hồi 100%. Nếu điều trị trong khoảng từ 8 đến 12 tuổi thì có thể phục hồi nhưng khó hơn một chút. Đối với trẻ em lớn hơn 12 tuổi và người trưởng thành thì khả năng phục hồi thị lực là khó hơn và cần đến sự tham gia của các máy móc cũng như kỹ thuật hiện đại.
Bệnh nhược thị sẽ được chữa khỏi nếu phát hiện sớm và điều trị đúng cách
Những ảnh hưởng đến đời sống của trẻ
Như chúng ta đã biết thì trẻ bị nhược thị có thể chữa khỏi nếu được chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách.Nhược thị ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ nói chung và việc học hành nói riêng do mắt bị yếu, khả năng nhìn kém đi (2).
Trên thực tế, có một số trẻ dù tuổi còn rất nhỏ nhưng khi đo thị lực, tầm nhìn chỉ đạt tối đa khoảng 3/10, 4/10. Điều này khiến cho trẻ nhìn mọi vật không được rõ, dễ bị té ngã trong khi chơi đùa hoặc ảnh hưởng khả năng học tập nếu trẻ đã đến tuổi đi học.
Tình trạng nhược thị nếu cứ tiếp diễn và không được điều trị sẽ diễn biến nặng hơn, trẻ càng có xu hướng nheo mắt, nghiêng đầu, vẹo cổ hoặc nhìn mọi vật ở khoảng cách quá gần, lại càng khiến cho tình trạng bệnh nặng hơn.
Nếu như bệnh nhược thị không được phát hiện và chữa trị sớm, để đến lúc quá muộn thì thị lực khó được phục hồi. Có một số trường hợp bệnh nặng có thể dẫn đến mù lòa, ảnh hưởng rất nặng nề đến tương lai của trẻ.
Do vậy, điều quan trọng là bố mẹ nên chú ý quan sát sự phát triển thị lực của trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Như đã đề cập, tỉ lệ chữa khỏi bệnh nhược thị còn tùy theo độ tuổi nên việc phát hiện sớm là vô cùng quan trọng.
Đối với nhược thị, việc điều trị là thực hiện các bài tập cho mắt nhược thị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ nhãn khoa nên cần nhiều thời gian và sự kiên trì. Bệnh nhân phải tuân thủ tối đa lịch trình tập luyện trong một thời gian dài thì mới đạt kết quả tốt, có khi khoảng thời gian lên tới 2, 3 năm. Do vậy điều này cũng ảnh hưởng đến cuộc sống vốn hiếu động và khó ngồi yên như các bạn nhỏ.
Biện pháp phòng ngừa nhược thị hiệu quả cho trẻ em
Từ khi mới sinh ra cho đến lúc 3 tuổi là giai đoạn cơ quan thị giác của trẻ phát triển mạnh mẽ nhất, sau đó tiếp tục phát triển cho đến lúc 7, 8 tuổi. Do vậy, khoảng thời gian này bố mẹ đặc biệt phải chú ý quan sát và giữ cho sự phát triển thị giác của con được diễn ra tốt nhất.
Hãy chăm sóc thị lực cho con trẻ ngay từ lúc còn nhỏ
Cụ thể, bố mẹ nên phòng tránh cho bé việc mắc phải các bệnh như bệnh lác, lé, bệnh về tật khúc xạ. Do đó, khi cho trẻ nhìn một vật nào đó, hãy chú ý nhắc nhở để trẻ nhìn thẳng, không nhìn nghiêng, nhìn lệch trục. Điều này là rất quan trọng vì theo các chuyên gia, khoảng 60% trẻ em bị lác mắt có thể sẽ bị nhược thị.
Khi trẻ từ 5 tuổi, đã bắt đầu tiếp xúc với sách vở và chuyện học hành thì cha mẹ nên quan sát tư thế ngồi học, đọc của bé, hướng dẫn con trẻ ngồi sao cho đúng tư thế, lưng thẳng, khoảng cách giữa mắt và sách vở tối thiểu là 20cm. Trẻ phải ngồi học trong điều kiện đầy đủ ánh sáng, tránh trường hợp thiếu ánh sáng khiến cho mắt phải nheo hoặc điều tiết quá mức tránh mắc các tật khúc xạ như cận, viễn thị.
Đặc biệt, một lời khuyên rất quan trọng trong cuộc sống hiện nay là phụ huynh không nên cho con tiếp xúc quá sớm với các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại, máy tính bảng quá sớm, cụ thể là dưới 3 tuổi. Từ 4 tuổi trở lên thì vẫn cần hạn chế, nếu có thể, mỗi ngày bé chỉ được tiếp xúc với các thiết bị nói trên chỉ khoảng 30 phút mà thôi.
Việc cho trẻ xem tivi và điện thoại quá sớm và quá nhiều sẽ là mối nguy. Vì màn hình các loại thiết bị này sẽ phát ra ánh sáng xanh nguy hại không chỉ khiến trẻ mắc các bệnh về mắt như tất khúc xạ mà còn có nguy cơ tổn thương võng mạc khó phục hồi.
Từ lúc trẻ còn rất nhỏ, chỉ vài tháng tuổi cho đến cả quá trình phát triển về sau, ba mẹ nên tạo điều kiện cho trẻ được nhìn nhiều và nhìn xa để khám phá thế giới. Thay vì việc chỉ quanh quẩn ở trong 4 bức tường thì trẻ con cần có thời gian ra ngoài, hòa mình vào không gian thiên nhiên để thư giãn và chơi đùa, giúp điều tiết mắt và phát triển thị lực tốt hơn.
Về chế độ dinh dưỡng, trẻ cần có chế độ ăn uống tốt với đầy đủ các nhóm chất để phát triển thể chất nói chung và thị lực nói riêng. Trong đó, các loại rau củ, trái cây màu đỏ, cam, vàng và các loại cá là những thực phẩm rất tốt cho mắt vì chúng cung cấp vitamin A và omega-3.
Ngoài ra, ba mẹ nên đưa trẻ đi khám mắt thường xuyên 2 lần/năm để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh ở mắt và điều trị kịp thời.
Nhược thị là căn bệnh không quá nguy hiểm nhưng lại cần phải được phát hiện ngay từ sớm. Do vậy, tốt nhất là các bậc phụ huynh cần dành sự quan tâm đến việc phát triển thị lực của con em mình ngay từ khi còn nhỏ và có những biện pháp phòng ngừa nhược thị đúng đắn.