Loạn thị bao nhiêu độ là nặng ? Có nên đeo kính hay không?

Ngày đăng bài: 01:07 16/07/2020

Mắt bạn thường nhìn các vật không được rõ nét, kể cả khi nhìn xa hay nhìn gần, các nét của vật thường nhòa vào nhau khá khó chịu và bạn đi kiểm tra thì biết là mình bị loạn thị, nhưng vì không rõ loạn thị là gì nên cảm thấy khá hoang mang, không biết loạn thị có nên đeo kính không? Loạn thị bao nhiêu độ là nặng? Loạn thị có tăng độ không?…Những chia sẻ trong bài viết dưới đây sẽ cho bạn lời giải đáp về những thắc mắc liên quan đến loạn thị.

Loạn thị bao nhiêu độ là nặng? Có tự khỏi hay không ?

Đầu tiên, để biết được loạn thị bao nhiêu độ là nặng thì người bị loạn thị cần biết đây là một tật về mắt, liên quan đến khúc xạ. Với mắt bình thường, các tia sáng sau khi đi qua giác mạc thì hội tụ ở một điểm trên võng mạc.

Ngược lại khi mắt bị loạn thị, các tia sáng lại được hội tụ ở nhiều điểm trên võng mạc và đó là lý do vì sao người loạn thị thấy hình ảnh bị nhòe, không rõ.

Nguyên nhân của loạn thị là giác mạc có hình dạng bất thường khiến khả năng tập trung ánh sáng của giác mạc bị giảm đi. Loạn thị có thể bắt nguồn từ di truyền, thói quen sinh hoạt và đôi khi có thể phát triển sau một bệnh liên quan đến mắt như chấn thương, phẫu thuật. Loạn thị có thể đi kèm với cận thị thành tật cận loạn hoặc đi kèm với tật viễn thị thành tật viễn loạn thị.

Mức độ nặng nhẹ của loạn thị có thể được phân loại như sau:

  • Dưới <1,00 dioptre (độ) là loạn thị nhẹ.
  • Từ 1,00 đến 2,00 dioptre loạn thị vừa phải
  • Từ 2,00 đến 3,00 dioptre loạn thị nặng
  • Trên >3,00 dioptre loạn thị nghiêm trọng

Bị loạn thị có tăng độ không?

Bị loạn thị có tăng độ không là vấn đề thắc mắc của không ít người mắc tật khúc xạ này. Nhưng người bệnh không cần quá lo lắng, mức độ loạn thị thường không thay đổi theo thời gian như cận thị hay viễn thị.

Với trường hợp loạn thị bẩm sinh, được hình thành trong suốt quá trình phát triển của cơ thể, khi đến tuổi trưởng thành (khoảng trên 25 tuổi) độ loạn sẽ không còn tăng giảm.

Vì khi kích thước và hình dạng nhãn cầu không còn thay đổi nữa thì sự bất tương xứng giữa chiều dài trục nhãn cầu và công suất khúc xạ của mắt cũng không thay đổi.

loạn thị bao nhiêu độ là nặng

Mức độ nặng nhẹ của loạn thị dựa trên độ loạn đo được

Bị loạn thị có nên đeo kính thường xuyên không?

Loạn thị có nên đeo kính không cũng là một trong những câu hỏi thường gặp. Tuy nhiên, việc có nên đeo kính không tùy thuộc vào mức độ loạn và tình trạng của người bệnh.

Thông thường loạn thị 0,5 độ mắt không bị khô, không mỏi không cần thiết đeo kính, loạn thị 1 độ trở lên mới gây xáo trộn thị giác nhiều, tầm nhìn bị ảnh hưởng nên đeo kính để nhìn rõ mọi vật hơn giúp mắt không phải điều tiết quá nhiều, đỡ nhức mỏi mắt hơn.

Ngoài ra, bị loạn thị có nên đeo kính thường xuyên không? Câu trả lời là có trong những trường hợp sau:

  • Có độ loạn không cao nhưng không có kính không nhìn rõ được mọi vật, xuất hiện tình trạng mỏi mắt, khô mắt, đau mắt.
  •  Độ loạn thị cao, không có kính không thể nhìn rõ được mọi vật.
  • Trẻ dưới 10 tuổi loạn từ 1,5 độ trở lên thì cần phải đeo kính thường xuyên nếu không sẽ bị giảm thị lực.

Nên sử dụng kính gọng hay kính áp tròng khi bị loạn thị?

Trong trường hợp loạn thị phải đeo kính để điều chỉnh tầm nhìn, tùy theo mong muốn của bản thân mà người bệnh có thể chọn kính có gọng hay kính áp tròng để đeo. Nhưng theo khuyến cáo của bác sĩ nhãn khoa, để thoải mái và tốt cho mắt nên đeo kính gọng khi phải dùng kính thường xuyên, chỉ nên mang kính áp tròng (lens) để đảm bảo sự tiện dụng, tăng tính thẩm mỹ trong những trường hợp cần thiết.

Tùy từng loại kính áp tròng sẽ có thời gian đeo riêng, nhưng thời gian chuẩn nhất đeo lens là 5 – 8h/ngày. Ngoài ra, khi đeo kính áp tròng thời gian mắt nghỉ ngơi như ngủ trưa hay qua đêm phải tháo ra, chưa kể việc vệ sinh kính áp tròng cần phải đảm bảo yêu cầu riêng nên khá bất tiện.

Việc đeo kính áp tròng thường xuyên, trong thời gian lâu sẽ không tốt cho mắt, bởi kính áp tròng ngăn mắt tiếp xúc với không khí, khiến giác mạc bị thiếu oxy, gây triệu chứng khô mắt, nguy hiểm hơn có thể dẫn đến sẹo tròng đen mắt, thậm chí nhược thị.

Một lưu ý khác khi chọn kính loạn thị bạn nên tìm đến địa chỉ uy tín để cắt kính sao cho chuẩn, để không ảnh hưởng đến tầm nhìn. Chọn loại tròng có thêm lớp phủ tính năng chống ánh sáng xanh nguy hiểm, chống tia UV, bụi bẩn để bảo vệ tốt nhất cho mắt, giảm thiểu những nguy cơ gây ra các bệnh lý về mắt và tật khúc xạ.

Loạn thị và cận thị tật nào nặng hơn?

Loạn thị và cận thị tật nào nặng hơn? Có lẽ là một câu hỏi chưa có lời giải đáp, bởi vì cận thị và loạn thị đều là tật khúc xạ của mắt, mỗi dạng sẽ có những dấu hiệu, mức độ nặng nhẹ, và cách điều trị riêng nên không thể khẳng định loạn thị và cận thị tật nào nặng hơn được.

Tật cận thị ảnh hưởng đến tầm nhìn xa, khi nhìn hình ảnh ở xa sẽ bị mờ. Còn loạn thị thì đặc biệt hơn, vì nó gây ảnh hưởng đến cách cảm nhận sự lan tỏa của ánh sáng, người loạn thị vẫn cảm nhận được hình ảnh ở gần hay xa, nhưng ánh sáng thu được lại không rõ ràng khiến ảnh bị mờ đi.

so sánh mắt cận và mắt loạn

Hình ảnh mắt cận thị và mắt loạn thị

Biện pháp phòng ngừa loạn thị hiệu quả

Loạn thị là một trong 3 tật khúc xạ về mắt khá phổ biến hiện nay cận – viễn – loạn. Loạn thị di truyền thì không thể phòng tránh nhưng với những nguyên nhân khác chúng ta có thể được phòng ngừa và hạn chế bằng cách:

  • Học tập và làm việc trong môi trường đủ ánh sáng, ngồi thẳng khi viết, không cúi sát, đảm bảo khoảng cách từ mắt tới chữ là 25-30cm, từ mắt tới màn hình là 50-60cm.
  • Đeo kính râm khi ra đường, mang kính bảo hộ khi tiếp xúc với các loại ánh sáng, chất độc hại.
  • Hạn chế làm việc, tiếp xúc với thiết bị điện tử liên tục quá 1 giờ, khi làm việc thi thoảng phải đứng lên hay nhìn ra xa cho mắt được nghỉ ngơi.
  • Để cho mắt được nghỉ ngơi bằng việc vui chơi nhìn ngắm ngoài trời thay vì nhìn vào màn hình máy tính, tivi.
  • Thực hiện một chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, bổ sung những thực phẩm giàu vitamin A tốt cho mắt như: thịt, cá, dầu, các loại đậu, hoa quả, rau xanh, cà rốt, gấc, cà chua,…
  • Chủ động kiểm tra thị lực ngay tại các cơ sở chuyên khoa mắt khi thấy các biểu hiện lạ ở mắt như lác, nheo mắt, mỏi mắt, nhức mắt, dụi mắt, nhìn mờ, đau đầu.
  • Không được tự ý đeo mắt kính không đúng tiêu chuẩn, khi đeo kính cần tuân thủ hướng dẫn của các bác sĩ chuyên khoa.

 

Đánh giá bài viết
08:31 14/06/2023
mua_wit