Viễn thị: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày đăng bài: 08:08 29/08/2020

Viễn thị là một trong những tật khúc xạ thường gặp. Viễn thị không chỉ gặp ở người lớn tuổi mà ngay cả trẻ em cũng mắc phải. Đặc biệt, viễn thị ở người lớn tuổi thường bị nhầm lẫn với bệnh lão thị. Vậy viễn thị là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa trị ra sao, tất cả sẽ được chúng tôi giải đáp qua bài viết dưới đây.

Viễn thị là gì?

Viễn thị (Hyperopia, Hypermetropia, Farsightedness) là tình trạng mà người bệnh có thể nhìn thấy rõ các vật thể ở xa nhưng lại khó khăn khi tập trung vào những vật ở gần. Viễn thị là sự sai lệch về khúc xạ, khi mắt ở trạng thái nghỉ ngơi, các tia sáng tới song song chiếu vào mắt sẽ hội tụ phía sau võng mạc (1). 

Do đó muốn nhìn rõ hơn, mắt phải điều tiết để đưa ảnh từ sau về đúng trên võng mạc. Trường hợp mắt viễn thị nghiêm trọng, người bệnh chỉ có thể nhìn thấy những vật ở khoảng cách rất xa.

viễn thị là gì

Viễn thị gây khó khăn cho người bệnh trong việc nhìn các vật thể ở gần

Tham khảo: So sánh viễn thị và lão thị giống và khác nhau thế nào?

Triệu chứng và dấu hiệu của viễn thị

Nếu bị viễn thị, mắt bạn phải điều tiết liên tục để nhìn thấy rõ các vật ở gần, điều này gây mỏi mắt và gây ra một số triệu chứng như (2):

  • Tầm nhìn bị mờ đối với các vật thể ở gần
  • Nhức đầu và đau ở 2 bên thái dương
  • Thường xuyên phải nheo mắt, cảm thấy nhức mỏi mắt khi làm việc ở khoảng cách gần trong khi khả năng nhìn xa vẫn tốt
  • Hay lo âu, mệt mỏi
  • Xuất hiện “bộ mặt viễn thị”: Đó là để nhìn rõ đối tượng ở gần mắt phải cố gắng điều tiết kèm theo sự co kéo các cơ trán, lông mày và mi khiến bạn xuất hiện những nếp nhăn.
  • Mắt viễn thị có xu hướng xoay vào trong: là do mắt viễn thị điều tiết nhiều kéo theo quy tụ, dẫn đến lé trong.
  • Một số trẻ bị viễn thị còn bị lác mắt.

Với từng người, triệu chứng viễn thị có thể khác nhau. Do đó, nếu nghi ngờ bản thân bị viễn thị hãy đi khám tại các cơ sở nhãn khoa uy tín để được chẩn đoán chính xác và có giải pháp khắc phục sớm.

Nguyên nhân gây viễn thị ở mắt

Thông thường, người bị viễn thị do các nguyên nhân chính như (3):

  • Do di truyền: Yếu tố di truyền đóng vai trò khá quan trọng, do đó nếu cha mẹ của bạn bị viễn thị thì nguy cơ cao bạn cũng bị viễn thị.
  • Do bẩm sinh: Bẩm sinh có cầu mắt ngắn hoặc giác mạc không đủ cong
  • Lão hóa: Quá trình lão hóa làm thể thủy tinh mất đi tính đàn hồi, không còn phồng được
  • Stress tinh thần kéo dài hoặc tổn thương tinh thần, thần kinh
  • Chấn thương mắt: Do va chạm mạnh khiến mắt bị tổn thương dẫn đến tổn hại đến võng mạc và bị tật ở mắt.

nguyên nhân viễn thị

Quá trình lão hóa làm thể thủy tinh mất đi tính đàn hồi, không còn phồng được và gây ra bệnh viễn thị ở người già

Theo các chuyên gia, có 2 nguyên nhân khiến tật khúc xạ ở mắt như viễn thị xuất hiện và gia tăng. Nguyên nhân thứ nhất là theo thời gian đôi mắt sẽ bị lão hóa là điều hiển nhiên. Nguyên nhân thứ hai là do thói quen sinh hoạt làm hại mắt. Sự thiếu chăm sóc mắt và tận dụng đôi mắt quá mức làm thiếu hụt Thioredoxin.

Trong khi đó, Thioredoxin là một phân tử có trọng lượng nhỏ nhưng giữ vai trò rất quan trọng như giữ gìn và bảo vệ võng mạc của mắt, truyền tín hiệu của các tế bào giúp chúng ta nhìn rõ và nhận biết màu sắc, đặc biệt Thioredoxin làm chậm quá trình lão hóa của các tế bào thị giác, trung hòa các chất gây hại cho tế bào thần kinh thị giác. Do đó, thiếu hụt Thioredoxin có thể dẫn tới tật khúc xạ tăng lên, những người bị đục thủy tinh thể sẽ lão hóa sớm hơn, một số bệnh lý ở hoàng điểm có thể xuất hiện.

Viễn thị bao nhiêu độ là nặng?

Cũng giống như cận thị, viễn thị cũng được đo bằng các đơn vị đo lường mô tả cường độ của thấu kính để xem mức độ tăng thị lực.

Thông thường, trên kính thuốc cận thị có số âm còn mắt kính viễn thị có số dương. Do đó bạn có thể xác định được độ viễn thị của mình:

  • Độ viễn vừa: +2.0 đến +4.0 diopters
  • Độ viễn nặng: Từ +4.0 diopters trở lên

Những biến chứng của viễn thị

Viễn thị nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều biến chứng như(4):

  • Giảm chất lượng cuộc sống: Tầm nhìn hạn chế gây ra nhiều phiền toái trong sinh hoạt và làm việc.
  • Trẻ bị viễn thị: Ảnh hưởng nhiều đến các vấn đề học tập, trẻ thường xuyên phải nheo mắt để tập trung dẫn đến mỏi mắt và nhức đầu.
  • Gây nguy hiểm và có thể gây tai nạn khi người viễn thị lái xe hoặc vận hành thiết bị nặng.

Phương pháp điều trị viễn thị

Để xác định được giải pháp tốt nhất cho bệnh viễn thị của bạn bác sĩ sẽ dựa vào độ viễn, tuổi tác, các yếu tố khác. Cụ thể, có nhiều cách khắc phục viễn thị bạn có thể lựa chọn như(5):

Đeo kính theo toa

Kính gọng hoặc kính áp tròng là 2 giải pháp phổ biến nhất giúp thay đổi điểm hội tụ của tia sáng khi đi vào mắt. Tùy vào độ viễn thị mà người bệnh có thể lựa chọn kính có gọng hoặc kính áp tròng liên tục hay chỉ đeo khi đọc sách, làm việc với máy tính hoặc những công việc yêu cầu phải quan sát ở khoảng cách gần.

Điều trị viễn thị

Đeo kính theo toa khi bị viễn thị là giải pháp được nhiều người lựa chọn

Lưu ý: Để đạt thẩm mỹ và thoải mái cho mắt bạn có thể phủ một lớp phản quang chống lóa. Lớp phủ này vừa giúp giảm nhức đầu, mỏi mắt mà còn bảo vệ tròng kính của bạn khỏi trầy xước và vân tay.

Tham khảo: Viễn thị đeo kính gì? Cách chọn kính viễn thị phù hợp

Phẫu thuật khúc xạ

Phẫu thuật LASIK        

Đây là phương pháp phổ biến nhất để điều trị viễn thị. Bác sĩ dùng một miếng mỏng có hình lưỡi lõm để tạo vạt mỏng trên bề mặt giác mạc, sau đó dùng laser excimer để điều chỉnh độ cong của giác mạc. Cuối cùng, nắp mỏng của giác mạc được định vị lại.

Phẫu thuật LASEK

Đây là kỹ thuật mổ mắt hiện đại nhất trong các loại phẫu thuật điều trị tật khúc xạ và được gọi là “hậu thế” của phương pháp Lasik. Kỹ thuật này dùng Alcool để bóc một lớp vạt biểu mô, sau đó dùng laser tạo hình thái của giác mạc đúng như độ sai lệch khúc xạ.

Cách phòng tránh viễn thị

Để bảo vệ đôi mắt và phòng tránh tật viễn thị bạn cần(6):

  • Kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng/ lần
  • Kiểm soát các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp
  • Khi có các triệu chứng bất thường ở mắt cần thăm khám ngay
  • Đeo kính râm để bảo vệ mắt khi đi ra ngoài trời nắng
  • Học tập và làm việc trong môi trường đầy đủ ánh sáng
  • Ăn thực phẩm tốt cho mắt gồm nhiều trái cây và rau củ
  • Tránh hút thuốc
  • Đeo mắt kính theo đúng chỉ định của bác sĩ nhãn khoa

Mắt bị viễn thị là một trong những tật khúc xạ làm suy giảm thị lực của người bệnh, do đó phát hiện sớm để tìm cách khắc phục viễn thị là việc làm sớm và cần thiết.

1/5 - (1 vote)
08:31 14/06/2023
mua_wit