Viêm giác mạc chấm nông: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Ngày đăng bài: 08-12-2021

Viêm giác mạc chấm nông là bệnh viêm giác mạc phổ biến, là dạng tổn thương không đặc hiệu ở lớp biểu mô. Nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách có thể ảnh hưởng đến thị lực. Vì vậy, hiểu được nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả chính là thông tin bổ ích giúp bảo vệ thị lực tốt nhất. 

Viêm giác mạc chấm nông là gì?

Viêm giác mạc chấm nông hay còn được gọi là viêm giác mạc đốm là phản ứng viêm ở giác mạc do nhiều nguyên nhân làm tổn thương lớp biểu mô dạng chấm mảnh li ti màu trắng xám trên bề mặt giác mạc, chủ yếu tập trung ở đồng tử. Bệnh có thể xảy ra ở hai mắt và có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt là những người độ tuổi từ 20-30.

Tên

Nguyên nhân gây bệnh viêm giác mạc chấm nông

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm giác mạc đốm nâu như (2):

  • Một số loại virus như Herpes hay Adeno
  • Mắt bị khô
  • Hở mi và nhiễm độc (do tiếp xúc với hóa chất)
  • Mắt dị ứng với mỹ phẩm, khói bụi
  • Đeo kính áp tròng quá lâu và không vệ sinh đúng cách
  • Giác mạc bị chấn thương vật lý
  • Viêm mí mắt
  • Mắt tiếp xúc thường xuyên với tia UV hay tia điện hàn
  • Dị ứng thuốc nhỏ mắt
  • Liệt dây thần kinh ngoại biên ở mắt
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc tại chỗ hoặc toàn thân
  • Gen đáp ứng miễn dịch và nhiều rối loạn tự miễn như hội chứng Addison, lupus ban đỏ hệ thống

Tùy vào nguyên nhân gây bệnh sẽ gây ra các biểu hiện bệnh và khả năng tái phát bệnh khác nhau. Triệu chứng bệnh thường tái phát theo từng đợt và có xu hướng kéo dài trung bình từ 10-20 năm. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp thời gian kéo dài lâu hơn.

Tên

Việc sử dụng kính áp tròng không đúng cách có thể là một yếu tố gây viêm giác mạc

Triệu chứng viêm giác mạc chấm nông

Viêm giác mạc chấm nông thường có những triệu chứng sau đây:

  • Mắt đỏ
  • Chảy nước mắt
  • Khô mắt
  • Có thể giảm thị lực
  • Đau mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Sưng hạch bạch huyết ở trước tai
  • Cảm giác bỏng rát ở mắt như có dị vật trong mắt

Ngoài ra, qua thăm khám lâm sàng trên kính hiển vi hay đèn soi đáy mắt có thể cho thấy tổn thương dạng chấm đặc trưng của bệnh bắt màu với fluorescein. Một số trường hợp có thể gặp các triệu chứng khác. Nếu mắt có xuất hiện các dấu hiệu bất thường nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Bệnh viêm giác mạc đốm có chữa được không?

Viêm giác mạc đốm có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu như phát hiện kịp thời và điều trị đúng. Nếu chữa trị không dứt điểm, bệnh có thể tái phát nhiều lần sẽ gây nguy hiểm để lại những biến chứng ở mắt. Tuy nhiên, đa phần bệnh sẽ được điều trị khỏi và không ảnh hưởng đến thị lực nhờ phát hiện bệnh sớm.

Điều trị viêm giác mạc chấm nông

Trường hợp viêm giác mạc nhẹ như bị xước mà không nhiễm trùng có thể tự lành khi mắt được nghỉ ngơi. Các viêm giác mạc do bệnh lý có yếu tố nhiễm trùng hoặc viêm giác mạc thể nặng cần được điều trị bằng thuốc nhỏ mắt và các loại thuốc khác tùy theo nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định cụ thể.

Đối với viêm giác mạc kèm theo viêm kết mạc do Adenovirus trong viêm kết mạc cấp mà ta gọi là đau mắt đỏ thì thường nhẹ tự hết và không ảnh hưởng mắt sau này. Tuy nhiên, viêm giác mạc chấm do virus Herpes thì bệnh thường tái phát, và diễn tiến nặng hơn và có thể để lại biến chứng xấu ở mắt. Các bệnh như viêm bờ mi, viêm kết giác mạc khô, và bệnh đau mắt hột cần có phác đồ điều trị cụ thể để có thể điều trị dứt điểm giúp bệnh không bị tái phát.

Bệnh nhân viêm giác mạc chấm nông thường được điều trị bằng kháng sinh kết hợp với nước mắt nhân tạo. Đối với những bệnh nhân có phản ứng tiền phòng sẽ được bổ sung thuốc tra mắt và thuốc giãn đồng tử. Lưu ý, việc điều trị bằng thuốc phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không được tự ý sử dụng.

Tên

Việc sử dụng thuốc điều trị cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ

Ngoài ra, trong quá trình điều trị mắt nên sử dụng kính bảo vệ khi đi ra ngoài, vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý, cho mắt nghỉ, tránh làm việc căng thẳng. Hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử và cần thăm khám theo lịch hẹn của bác sĩ, tránh tình trạng bệnh tái phát hoặc nặng thêm, có thể ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.

Biện pháp phòng ngừa bệnh viêm kết mạc chấm nông

Để phòng bệnh viêm giác mạc chấm nông cần chú ý những thói quen sinh hoạt hàng ngày sau đây:

  • Cần đeo kính bảo vệ hoặc kính chuyên dụng nếu làm việc và tiếp xúc với môi trường nhiều bụi bặm, có nguy cơ nhiễm khuẩn mắt.
  • Cần điều trị sớm và dứt điểm các bệnh về mắt như viêm túi lệ, lông quặm để tránh nguy cơ viêm giác mạc.
  • Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh mắt đúng cách.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh bị đau mắt đỏ.
  • Có chế độ dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Viêm kết mạc chấm nông tuy là bệnh khá phổ biến, tuy nhiên nếu không phát hiện và điều trị sớm sẽ khó chữa trị, dễ tái phát và có thể ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. Khi nhận thấy có dấu hiệu khác thường ở mắt cần nên thăm khám và cần tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Bên cạnh việc điều trị, sinh hoạt, nghỉ ngơi và vệ sinh mắt đúng cách thì nên chủ động bổ sung dưỡng chất chuyên biệt giúp nuôi dưỡng và bảo vệ mắt toàn diện từ bên trong.

Đánh giá bài viết
06-06-2023
mua_wit