Thoái hóa võng mạc là gì? Cách điều trị và phòng ngừa sớm

Ngày đăng bài: 09:06 30/06/2020

banner_mobile

Thoái hóa võng mạc là gì?

Thoái hóa võng mạc (Retinal Degeneration) là quá trình suy thoái, tổn thương của lớp tế bào võng mạc trong mắt do nhiều nguyên nhân từ các yếu tố, bệnh lý bên trong cơ thể và các tác nhân gây hại từ bên ngoài thúc đẩy quá trình thoái hóa diễn ra sớm và nhanh hơn(1).

Bệnh thường xuất hiện ở người trên 50 tuổi và người bị tật cận thị, đái tháo đường hoặc tăng huyết áp. Bệnh có diễn tiến âm thầm và tàn phá thị lực theo thời gian, thông thường bệnh chỉ được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân khám kiểm tra đáy mắt với đồng tử (con ngươi) đã được nhỏ thuốc giãn ra.

Do đó, để phát hiện sớm thoái hóa võng mạc, người có tật cận thị, đái tháo đường, tăng huyết áp và người lớn tuổi nên đi khám định kỳ để được soi đáy mắt kiểm tra (3-6 tháng/ lần).

thoái hóa võng mạc

Căn bệnh này là nguyên nhân chính gây mù lòa ở người cao tuổi

Bệnh thoái hóa võng mạc có nguy hiểm không?

Nếu như nguyên nhân làm mất thị lực, mù lòa do chấn thương, viêm võng mạc nhiễm chỉ chiếm 10% nhưng lại được quan tâm giải quyết sớm thì những triệu chứng như nhìn mờ, đau nhức, đục mắt, giảm hay mất thị lực trung tâm hoặc không thể nhìn xa, nhìn rõ… thường xuyên bị bỏ qua.(2)

Trong các bệnh lý võng mạc, thoái hóa võng mạc là bệnh lý phổ biến, chiếm tỉ lệ cao và chính là “thủ phạm” gây mù lòa phổ biến nhất. Bệnh thường tiến triển từ từ và làm mất thị lực không hồi phục.

Theo Trung tâm Truyền thông sức khỏe Trung ương (Bộ Y Tế), thoái hóa hoàng điểm võng mạc là nguyên nhân gây mù lòa phổ biến ở cao tuổi, trong đó có đến 82% là do phát hiện trễ, chậm khắc phục.

Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo, đối với bệnh võng mạc do tổn thương và liên quan đến các bệnh lý nội khoa, cần hạn chế, tránh các yếu tố bên ngoài làm hại mắt và kiểm soát các yếu tố nguy cơ, hỗ trợ cải thiện tốt các bệnh lý, tránh biến chứng lên mắt.

Riêng đối với bệnh thoái hóa võng mạc, cần có biện pháp chăm sóc từ bên trong bằng dưỡng chất chuyên biệt để làm chậm quá trình thoái hóa võng mạc, hỗ trợ ngăn ngừa suy giảm thị lực, mù lòa.

Một số biến chứng thoái hóa võng mạc

Thoái hóa võng mạc nếu không được phát hiện và can thiệp sớm có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến việc khắc phục trở nên tốn kém và tăng nguy cơ mù lòa:

  • Xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính: Người bị thoái hóa võng mạc do tiểu đường có thể gặp biến chứng xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính, do sự dày lên của nền mao mạch và tế bào nội mô, dẫn đến tế bào RPE tạo ra yếu tố kích thích hình thành tân mạch, khi các tân mạch vỡ sẽ gây ra hiện tượng xuất huyết.
  • Phù hoàng điểm: Sự xuất tiết xuất huyết trên võng mạc làm máu, dịch, chất cặn bã bị dồn ứ, lắng đọng gây phù vùng hoàng điểm.
  • Bong tróc võng mạc: Các tân mạch sau khi vỡ sẽ lành lại, tạo thành sẹo, quá trình hình thành các mảng sẹo kéo các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc ra khỏi mao mạch, khiến võng mạc bị bong. Từ đó làm cho mắt người bệnh mất khả năng cảm nhận màu sắc thậm chí mất thị lực hoàn toàn.

Xem thêm: Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc

Các loại thoái hóa võng mạc thường gặp

Thoái hóa võng mạc có 2 thể, gồm thể khô và thể ướt. Dù xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, song cả 2 thể của thoái hóa võng mạc đều để lại những ảnh hưởng nghiêm trọng về thị lực.(3)

Thoái hóa võng mạc khô

Là bệnh thoái hóa võng mạc thường gặp (chiếm 90%). Bệnh do những tế bào nhạy sáng ở hoàng điểm dần bị phá vỡ khiến thị lực trung tâm của mắt bị mờ dần. Trường hợp thoái hóa nặng, thị lực trung tâm sẽ xuất hiện vết mờ.

phân loại thoái hóa võng mạc

Thoái hóa võng mạc ướt

Bệnh do các mạch máu bất thường nằm sau võng mạc (mô nhạy cảm ánh sáng nằm ở đáy mắt) bắt đầu phát triển. Các mạch máu mới này thường dễ vỡ, dẫn đến rỉ máu trong hoàng điểm. Đây là nguyên nhân dẫn đến mất thị lực về sau. Biểu hiện là mắt nhìn đường thẳng thành ra các đường lượn sóng.

Nguyên nhân gây thoái hóa võng mạc

Tế bào võng mạc, cụ thể là tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) là lớp tế bào duy nhất có khả năng tiếp xúc với các tế bào thần kinh thị giác. Do đó, toàn bộ việc nuôi dưỡng các tế bào thị giác đều do RPE đảm nhiệm.

Song song đó, tế bào võng mạc còn làm nhiệm vụ hấp thụ tia cực tím và các chất gây hại sản sinh ra trong các phản ứng oxy hóa, từ đó bảo vệ các tế bào thần kinh thị giác. Khi tế bào biểu mô sắc tố võng mạc bị suy thoái, các tế bào thị giác sẽ không được bảo vệ, dẫn đến teo, chết khiến thị lực suy giảm.

nguyên nhân thoái hóa võng mạc

Hoàng điểm là nơi tập trung nhiều tế bào thị giác được nuôi dưỡng bởi các tế bào võng mạc.

Thoái hóa võng mạc chu biên do cận thị

Võng mạc chu biên là vùng ở xa nhất của võng mạc và không ảnh hưởng nhiều đến thị lực vùng trung tâm tuy nhiên lại hạn chế khả năng nhìn bao quát của mắt. Cận thị là nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng thoái hóa võng mạc chu biên.

Ở người cận thị nặng, nhãn cầu phình ra, trục nhãn cầu giãn kéo võng mạc chu biên bị giãn theo, làm teo võng mạc. Do đây là khu vực ít được tưới máu nên dễ bong và rách dẫn đến mù lòa hoàn toàn nếu không phát hiện sớm.

Thoái hóa võng mạc bẩm sinh

Thoái hóa võng mạc, là một bệnh bẩm sinh di truyền theo dòng mẹ. Bệnh có tính di truyền lặn với đặc điểm tiến triển rất chậm. Các triệu chứng thường xuất hiện ở tuổi thiếu niên, đến độ tuổi 30 thị lực sẽ giảm nhiều, đến 40-50 tuổi thị trường (vùng khoảng không mà mắt bao quát được) thu hẹp thành hình ống, bệnh nhân đi lại khó khăn kể cả ban ngày, thị lực cũng giảm sút nhiều, có thể mất thị lực hoàn toàn khi về già.

Một số nguyên nhân khác

Ngoài các nguyên nhân gây nên bệnh thoái hóa võng mạc, trên, trong y khoa còn phân loại thoái hóa võng mạc thành 2 nhóm:

  • Bệnh thoái hóa võng mạc không tăng sinh

Xảy ra khi lương lượng máu đến nuôi tế bào võng mạc xuất hiện những bất thường, bao gồm: mạch máu bị phá hủy, võng mạc bị tổn thương trực tiếp và mạch máu tắc bị tắc nghẽn.

Nguyên nhân dẫn đến các vấn đề trên thường là: trẻ sinh non, yếu ớt gặp tổn thương võng mạc ngay từ khi mới sinh ra, y học gọi là bệnh võng mạc do sinh non; người bị tăng huyết áp, hồng cầu liềm, xơ vữa động mạch, làm giảm lưu lượng máu, hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn, thiếu máu cục bộ đến nuôi dưỡng tế bào võng mạc. Ngoài ra người điều trị khối u vùng đầu, mặt bằng phương pháp xạ trị có thể chịu biến chứng dẫn đến tổn thương võng mạc.

  • Bệnh thoái hóa võng mạc tăng sinh 

Xuất phát từ sự dày lên của nền mao mạch cũng như sự gia tăng của các tế bào nội mô làm cho mao mạch bị tắc nghẽn dẫn đến thiếu oxy ở võng mạc. Lúc này các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc (RPE) sẽ tiết ra yếu tố làm tăng sinh thêm các mạch máu mới (tân mạch).

Tuy nhiên, các tân mạch thường mỏng, yếu, dễ vỡ trước áp lực máu dẫn đến xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, phù hoàng điểm, thậm chí gây mù cấp tính.

Nguyên nhân gây võng mạch tăng sinh thường có liên quan đến bệnh tiểu đường, sự gia tăng đường huyết sẽ làm dày màng mao mạch kéo theo một loạt các quá trình ở trên.

Theo GS.TS Đỗ Như Hơn: “tình trạng đường huyết tăng cao kéo dài ở bệnh nhân tiểu đường không những làm tổn thương các mạch máu lớn nuôi tim, não… (thường gây đột quỵ, nhồi máu cơ tim), mà còn tàn phá các mạch máu nhỏ, đặc biệt là hệ thống mao mạch trên võng mạc, gây ra 4 tổn thương võng mạc điển hình dễ dẫn đến suy giảm thị lực, mù lòa là xuất tiết, xuất huyết võng mạc; xuất huyết dịch kính; bong võng mạc và nặng nề nhất là phù hoàng điểm.”

Triệu chứng nhận biết bệnh thoái hóa võng mạc

Bệnh thoái hóa võng mạc, thoái hóa hoàng điểm thường không có biểu hiện rõ rệt ở giai đoạn sớm. Bệnh phát triển âm thầm, các dấu hiệu nhận biết ban đầu dễ nhầm lẫn với trạng thái mệt mỏi ở mắt thông thường như mờ, mỏi, nhức,..

triệu chứng thoái hóa võng mạc

Người bị thoái hóa võng mạc thường xuất hiện triệu chứng suy giảm thị lực, nhìn mờ, nhìn biến dạng

Đáng nói, việc phát hiện càng trễ sẽ càng làm giảm hiệu quả điều trị thoái hóa võng mạc. Do đó, ta cần quan tâm đến cả các triệu chứng nhỏ nhất và chủ động cải thiện sớm.

Thị lực người bị thoái hóa võng mạc, thoái hóa hoàng điểm sẽ xuất hiện một số triệu chứng đáng chú ý sau:

  • Giảm dần thị lực (nhìn mờ) vùng trung tâm, triệu chứng này thường diễn tiến chậm khó phát hiện, dễ nhầm lẫn với người có tật khúc xạ ở mắt.
  • Một số trường hợp người bệnh có thể giảm thị lực đột ngột, nếu nặng có thể gây mù lòa.
  • Nhìn hình ảnh biến dạng, méo mó, nhìn đường thẳng bị cong vẹo.
  • Nhìn có ám điểm (điểm mờ đen) trước mắt.
  • Rối loạn thị lực màu: nhìn mọi vật mờ và nhạt màu, song thị (nhìn thành hai hình).

Dấu hiệu nhận biết thông qua cảm giác sinh hoạt thường ngày:

  • Theo nhiều nghiên cứu, cả bệnh thoái hóa võng mạc và bệnh thoái hóa điểm vàng thường không gây ra cảm giác đau
  • Không thể trông thấy bất cứ vật gì ở tầm nhìn xa;
  • Cần nhiều ánh sáng hơn bình thường để thấy sự tương phản, như: đi xuống cầu thang, đọc chữ trên những tờ giấy có màu sắc;
  • Khi nhìn vào một vật gì đó hay nhìn vào mặt của người khác, mắt thường mờ hoặc nhòe đi;
  • Khi đọc sách lâu, bất giác sẽ không thấy được chữ nữa;
  • Khi nhìn vào tờ giấy có những lằn ca rô hay nhìn vào những lằn thẳng, mắt sẽ có hiện tượng nhìn đường lằn thẳng thành đường cong, bị uốn vòng rồi mờ đi.

Các triệu chứng và dấu hiệu trên có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt. Người bị trên một mắt, mắt còn lại vẫn có thể nhìn rõ bình thường nếu không chú ý sẽ không phát hiện thay đổi về thị lực.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa võng mạc?

đối tượng dễ mắc bệnh thoái hóa võng mạc

Người tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng xanh nguy hại từ màn hình các thiết bị điện tử sẽ có nguy cơ bị thoái hóa võng mạc sớm

Bệnh thoái hóa võng mạc thường xảy ra ở người lớn tuổi, tuy nhiên không loại trừ trường hợp những người trẻ do tính chất công việc hoặc mắt các bệnh lý toàn thân khác dẫn đến biến chứng lên võng mạc, suy thoái võng mạc sớm. Các đối tượng dễ mắc thoái hóa võng mạc gồm:

  • Người sau tuổi trung niên (trên 50 tuổi).
  • Người làm việc văn phòng, tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị màn hình điện tử mang ánh sáng xanh nguy hại.
  • Người có bệnh lý tiểu đường, tăng huyết áp.
  • Chế độ dinh dưỡng kém, thường xuyên hút thuốc lá.
  • Người bị tật khúc xạ nặng, phẫu thuật chấn thương mắt hoặc phẫu thuật đục thủy tinh thể.
  • Trong gia đình từng có người mắc thoái hóa võng mạc.
  • Yếu tố giới tính cũng có liên quan đến tỷ lệ mắc thoái hóa võng mạc, nữ giới thường chiếm tỷ lệ cao hơn nam giới.

Chẩn đoán bệnh thoái hóa võng mạc

Chẩn đoán thoái hóa võng mạc được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt, thông qua các biện pháp như:

  • Đo thị lực: Bác sĩ sẽ phối hợp các bài kiểm tra khác nhau nhằm đánh giá khả năng nhìn vào tiêu điểm và phân biệt vật thể.
  • Soi đáy mắt: Đây là phương pháp chuyên khoa giúp chẩn, đoán xác định bệnh thoái hóa võng mạc. Bác sĩ nhỏ thuốc giãn đồng tử sau đó dùng một dụng cụ có thấu kính đặc biệt với độ chiếu sáng mạnh (đèn soi đáy mắt) để kiểm tra lớp tế bào võng mạc.

Phương pháp điều trị thoái hóa võng mạc

Điều trị thoái hóa võng mạc hiện nay chủ yếu gồm điều trị các triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây bệnh. Các phương pháp điều trị thoái hóa võng mạc khả dụng mà các cơ sở chuyên khoa mắt thường áp dụng là (5):

Liệu pháp quang động Laser

Được ứng dụng phổ biến để điều trị các bệnh lý đáy mắt như: thoái hoá võng mạc chu biên, bong rách võng mạc… Các bác sĩ áp dụng quang đông laser để phá huỷ các tân mạch võng mạc nhằm ngăn chặn xuất huyết dịch kính và phù hoàng điểm, ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và cải thiện thị lực người bệnh. Liệu pháp này có nhược điểm là phải thực hiện nhiều lần và dễ tái phát nếu không được chăm sóc tốt.

Điều trị bằng tế bào gốc đa năng

Đây là phương pháp mới trong điều trị thoái hóa võng mạc, với triển vọng lấy lại ánh sáng cho các bệnh nhân nặng khả năng mù lòa cao. Các tế bào gốc được nuôi cấy nhằm thay thế và sửa chữa các tế bào võng mạc bị yếu hoặc chết. Song phương pháp này vẫn đang trong quá trình thử nghiệm và chưa được áp dụng rộng rãi.

Thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (Vascular endothelial growth factor – VEGF)

Các yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) khi phát triển quá mức sẽ làm rò rỉ chất dịch và hình thành các tân mạch ở võng mạc, thuốc kháng VEGF được dùng để ngăn chặn sự phát triển quá mức trên.

Biện pháp này thường được áp dụng trong điều trị các bệnh lý thoái hóa điểm vàng dạng ướt, phù hoàng điểm do đái tháo đường, tân sinh hắc mạc, tắc tĩnh mạch võng mạc.

Thuốc kháng yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu là dạng thuốc kê đơn, có nhiều tác dụng phụ do đó chỉ được sử dụng trong trường hợp có chỉ định của bác sĩ.

Mỗi biện pháp đều có các ưu nhược điểm riêng, tùy vào tình trạng tổn thương võng mạc khả năng tài chính người bệnh có thể được chuyên gia tư vấn phương pháp phù hợp.

Nếu bệnh nhân mắc thoái hóa võng mạc có đi kèm các bệnh lý toàn thân liên quan, việc điều trị sẽ cần đến sự phối hợp của các chuyên khoa khác nhau.

Ở người bị bong võng mạc thì cách khắc phục duy nhất là phẫu thuật võng mạc, bác sĩ dựa trên tình trạng của bệnh nhân để lựa chọn các biện pháp: dán võng mạc bằng khí, dán củng mạc hoặc cắt pha lê thể.

Chế độ dinh dưỡng cho người bị thoái hóa võng mạc

Phát hiện sớm, điều trị đúng phác đồ của bác sĩ và áp dụng chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp mô tế bào nhanh chóng tái tạo và liền lại, từ đó hỗ trợ người bệnh sớm phục hồi và lấy lại thị lực. Người thoái hóa võng mạc cần bổ sung:

  • Chất đạm từ các loại hạt, họ nhà đậu, thịt trắng, thịt nạc (thị bò, thịt gà…)
  • Cung cấp đủ nước: nên uống ít nhất 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày
  • Cung cấp vitamin A: Đây là chất dinh dưỡng giúp mắt sáng và thúc đẩy sự hình thành màng bảo vệ cho tế bào. Vitamin A có nhiều trong gan động vật, cà rốt, khoai lang, các loại rau đậm (rau bina, bông cải xanh), ớt chuông, ớt ngọt…
  • Vitamin C: Giúp bảo vệ mắt khỏi tia cực tím, giúp các tế bào chống lại quá trình oxy hóa và hạn chế sự phát triển của bệnh thoái hóa võng mạc. Thực phẩm giàu vitamin C như ớt chuông đỏ, quả kiwi, dâu tây, súp lơ trắng, dưa lưới vàng, cà chua, khoai tây…
  • Vitamin E: Được xem như một chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ mắt khỏi tác nhân bên ngoài, thúc đẩy tuần hoàn máu và cải thiện thị lực. Vitamin E có nhiều trong các loại thực phẩm như các loại hạt (hướng dương, hạnh nhân, óc chó, đậu phộng…), quả bơ, cải bó xôi, bó đỏ, măng tây, bông cải xanh…
  • Lutein và Zeaxanthin giúp cơ thể và mắt chống lại mỗi hại từ các gốc tự do có hại. Thực phẩm chứa nhiều Lutein và Zeaxanthin như một số rau xanh thuộc họ cải như cải xoăn, cải bó xôi, cải bắp, cải cầu vồng…; bắp vàng; đậu xanh; bí đỏ, khoai lang, cà rốt, măng tây, rau dền…

dinh dưỡng cho người bị thoái hóa võng mạc

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh là cách hỗ trợ ngăn ngừa sự phát triển của bệnh thoái hóa võng mạc

Bên cạnh những thực phẩm cần bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày, người bị thoái hóa võng mạc cần kiêng cữ các loại thực phẩm sau:

  • Thịt chế biến sẵn: Đa phần các món thịt chế biến sẵn chứa hàm lượng chất béo không tốt khiến cho cơ thể hấp thụ nhiều hóa chất và cholesterol khiến tình trạng thoái hóa võng mạc nặng hơn.
  • Chất béo bão hòa: Chất béo bão hòa thường khó chuyển hóa dễ tích tụ lại thành mỡ thừa vốn dĩ không tốt cho sức khỏe. Nếu bạn tiếp nhận quá nhiều cơ thể sẽ phản ứng lại và vấn đề về mắt có thể trở nên tồi tệ hơn.
  • Thực phẩm cay, nóng, gia vị gây kích ứng mắt: cần tránh các thức ăn có gia vị nóng như: ớt, tiêu, mù tạt…

Làm thế nào để phòng ngừa và kiểm soát bệnh hiệu quả

Việc điều trị thoái hóa võng mạc, phẫu thuật thoái hóa võng mạc sẽ trở nên khó khăn, tốn kém và giảm hiệu quả hồi phục nếu để bệnh diễn tiến quá nặng. Do đó cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ võng mạc từ sớm. Bằng cách:

  • Chủ động khám mắt: Mọi người nên tạo thói quen khám mắt định kỳ, đặc biệt là ở người có các tật khúc xạ, người lớn tuổi, người có nguy cơ cao từ các bệnh lý khác.
  • Học sinh, sinh viên, giới văn phòng, người thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng xanh nguy hại cần dành thời gian cho mắt nghỉ ngơi, áp dụng các bài tập massage thư giãn mắt. Hạn chế tác hại của ánh sáng xanh bằng cách đeo kính chống ánh sáng xanh, cài đặt các phần mềm giảm độc hại của ánh sáng màn hình.

biện pháp phòng ngừa thoái hóa võng mạc

  • Đeo kính mát khi đi ngoài trời để hạn chế khói bụi và tia cực tím gây hại cho mắt, dùng kính chuyên dụng khi làm các công việc đặc thù tiếp xúc với cường độ ánh sáng mạnh.
  • Vệ sinh mắt đúng cách: Khi đi ngoài trời về nên rửa mặt bằng nước ấm và lau lại bằng khăn sạch, không dùng tay dụi mắt khi có cảm giác ngứa, cộm, xốn, hoặc có vật thể rơi vào mắt.
  • Tránh tiếp xúc với nguồn nước bẩn, khói bụi, tia hàn điện… giảm thời gian xem tivi, sử dụng máy tính, điện thoại để hạn chế tác hại từ ánh sáng nguy hiểm từ các loại màn hình.

Bệnh thoái hóa võng mạc mặc dù không dẫn đến tử vong nhưng gây nên tình trạng suy giảm thị lực nghiêm trọng, cuối cùng có thể dẫn đến mù lòa, gây ảnh hưởng xấu đến tâm lý bệnh nhân và người thân trong gia đình. Vì vậy bạn nên áp dụng những biện pháp phòng ngừa và bảo vệ cho mắt ngay từ sớm.

4.3/5 - (29 votes)
08:41 09/04/2024
mua_wit